Khảo cổ học Dưới nước: Các hoạt động hợp tác nghiên cứu của Viện Khảo cổ học trong những năm 2008-2012
Trong những năm gần đây, Viện Khảo cổ học đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, khởi đầu bằng việc nghiên cứu di tích chiến trường Bạch Đằng, nơi xảy ra trận chiến của Trần Hưng Đạo đánh tan quân Mông Nguyên vào năm 1288. Các hoạt động này tiếp tục mở rộng tới các khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Chính tại di tích Bạch Đằng, vào năm 2009, cán bộ Viện đã phối hợp với Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh (BQL CDTTĐ Quảng Ninh) và đoàn chuyên gia quốc tế chương trình Bạch Đằng (ĐCGQTBĐ) mở đầu việc sử dụng các thiết bị và các phương pháp nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, như phương pháp khảo sát quét cạnh siêu âm (Side scan sonar), phương pháp đo từ trường (Magnetic), phối hợp với việc sử dụng thiết bị kết nối thông tin địa lý toàn cầu (GPS). Bài viết đầu tiên giới thiệu về ngành khảo cổ học dưới nước cũng được đăng trên tạp chí Khảo cổ học (Charlotte Phạm Minh Hà, Lê Thị Liên 2009: 79-97).
Năm 2010, Viện đã phối hợp với BQL CDTTĐ Quảng Ninh và ĐCGQTBĐ tiến hành khai quật theo định hướng nghiên cứu và bảo tồn tại chỗ di tích bãi cọc Đồng Má Ngựa. Kết quả đã phát hiện 55 cọc gỗ trong các hố khai quật (chưa kể các cọc xuất lộ trên bề mặt đã được khảo sát năm 2009) và nhiều loại hình di vật khác như đồ gốm, sành, sứ, các loại vỏ sò, các di vật gỗ có dấu vết chế tác... Ngoài một số mẫu gỗ được đưa về phân tích, các cọc gỗ đều được đánh số và bảo tồn tại chỗ. Một số mẫu được gửi phân tích chất liệu và niên đại C14. Cũng trong năm này, một cán bộ của Viện đã được cử tham gia khóa tập huấn về khảo cổ học dưới nước do UNESCO tổ chức tại Thái Lan, mở đầu cho hoạt động đào tạo nhân lực về chuyên ngành này cho Viện Khảo cổ học.
Năm 2011, ứng dụng các phương pháp khảo sát không tác động, sử dụng các thiết bị địa vật lý và khoan mẫu, Viện đã hợp tác với BQL CDTTĐ Quảng Ninh và ĐCGQTBĐ khảo sát trong phạm vi gò Đượng Giáng và các cánh đồng xung quanh bãi cọc Đồng Má Ngựa nhằm tìm hiểu địa hình địa mạo cổ, các đường nước và lịch sử biến đổi của chúng. Kết quả đã phát hiện ít nhất có hai đường nước cổ trong khu vực Đồng má Ngựa, Trong đó bãi cọc đã được cắm vào dòng chảy lớn hơn. Đồng thời nhiều điểm khảo sát bộc lộ các dấu hiệu khả quan cho việc nghiên cứu các di tồn vật chất của trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Di tích cảng cổ Vân Đồn cũng lần đầu tiên được đoàn tới thăm và khảo sát sơ bộ. Cũng trong năm này, một bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Viện Khảo cổ học với Đoàn Nghiên cứu quốc tế Bạch Đằng, hướng tới việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu lâu dài tại di tích này và việc tổ chức các khóa tập huấn về khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu về Bạch Đằng đã được giới nghiên cứu và quản lý văn hóa trong và ngoài nước biết đến nhờ nhiều bài trình bày trong các Hội nghị kỉ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng, Hội nghị Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về Di sản Văn hóa Dưới nước, Hội nghị Thông báo những phát hiện mới hàng năm của Viện Khảo cổ học và các tạp chí quốc tế khác. (Kimura 2011: 44-49; 2012: 80-92; Lê et. al. 2011: 77-90).
Năm 2012, trên cơ sở các kết quả khảo sát của năm 2011, Viện Khảo cổ học tiếp tục phối hợp với BQL CDTTĐ Quảng Ninh và ĐCGQTBĐ thực hiện việc khoan mẫu trong khu vực cánh đồng Lòng Thong ở phía nam di tích Đồng Má Ngựa, nơi xuất lộ các dấu hiệu khả quan về di tồn vật chất của trận chiến Bạch Đằng. Phương pháp phỏng vấn hồi cố nhằm nghiên cứu lịch sử và truyền thống văn hóa Bạch Đằng trong nhân dân tiếp tục được thực hiện.
Cũng trong mùa điền dã này, các hoạt động khảo sát đa ngành đã được thực hiện ở khu vực đảo Quan Lạn thuộc khu di tích cảng Vân Đồn. Cùng với việc ghi lại các dấu tích khảo cổ học, các di tích lịch sử, khảo sát các sưu tập hiện vật lưu giữ trong dân, việc khảo sát sử dụng máy quét cạnh side scan sonar trên dòng sông Mang đã đưa đến những phát hiện quan trọng, bao gồm việc xuất lộ di vật gốm, sành sứ ở nhiều địa điểm và nhiều dấu tích có khả năng là tàu đắm cổ. Việc khảo sát các nguồn nước, lịch sử sử dụng đất đai và lịch sử cư trú được song song tiến hành, trong đó có việc lấy mẫu khoan nghiên cứu trầm tích. Đặc biệt, việc phát hiện một khẩu súng thần công kiểu Bồ Đào Nha cho thấy vai trò quan trọng của khu vực này vào thế kỉ 16.
Các hoạt động nghiên cứu của khảo cổ học dưới nước đã được đẩy mạnh hơn, vượt ra khỏi tỉnh Quảng Ninh, với việc khảo sát sơ bộ tàu đắm Bến Thủy (Nghệ An), nơi đã phát hiện hai khẩu súng thần công nhằm hoạch định hướng nghiên cứu tiếp theo cho việc bảo vệ, phát huy giá trị của loại hình di tích này trên sông Lam, một khu vực cửa sông có tầm quan trọng trong lịch sử phát triển văn hóa ở khu vực này.
Một hoạt động có ý nghĩa nhất trong năm 2012 là việc tổ chức khóa tập huấn đầu tiên theo chương trình của NAS (Hội Khảo cổ học dưới nước), nhằm mục đích nâng cao nhận thức, giới thiệu các phương pháp khảo sát, nghiên cứu của khảo cổ học dưới nước, với sự tham gia của các cán bộ đến từ nhiều cơ quan, Ban Quản lý di tích và bảo tàng các tỉnh khác nhau: Viện Khảo cổ học, Viện Đông Nam Á, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam; Bảo tàng các tỉnh Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Quảng Ninh và Hải Phòng. Tiếp theo đó, hai cán bộ của Viện đã được cử tham gia khóa tập huấn về khảo cổ học dưới nước do SPAFA tổ chức tại Thái Lan. Cũng trong năm 2012, các hoạt động nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước và các lĩnh vực liên quan như nghiên cứu lịch sử các cảng cổ, các kĩ thuật đóng thuyền truyền thống v.v. đã được thông tin trên trang web www.themua.org/vietnam nhằm nâng cao nhận thức về các giá trị của di sản văn hóa dưới nước của Việt Nam ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.
Song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra của đất nước, tháng 7 năm 2012 Viện Khảo cổ học đã quyết định đưa phòng Khảo cổ học Dưới nước đi vào hoạt động chính thức. Đây là một bước tiến quan trọng, đặt cơ sở cho việc phát triển chuyên ngành còn non trẻ này ở Việt Nam. Nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của Phòng là:
1. Khảo sát, khai quật ứng cứu và lập hồ sơ các di chỉ khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam;
2. Nghiên cứu các di tích và di vật của các di chỉ khảo cổ học dưới nước và các tư liệu có liên quan nhằm tăng cường hiểu biết về lịch sử hàng hải, lịch sử trao đổi văn hóa và thương mại trên vùng biển Việt Nam;
3. Hợp tác quốc tế và trong nước trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo và trong các hoạt động xây dựng năng lực cho ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam;
4. Phối hợp với Tạp chí Khảo cổ học cho việc xuất bản các bài viết về khảo cổ học dưới nước.
Có thể thấy trong vòng 4 năm qua, Viện Khảo cổ học, mặc dù điều kiện còn khó khăn về nhiều mặt, với sự hợp tác hiệu quả và sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia quốc tế đã từng bước xây dựng lực lượng cho một chuyên ngành non trẻ nhưng đầy tiềm năng của Việt Nam - Ngành Khảo cổ học dưới nước.
Tài liệu tham khảo:
Charlotte Phạm Minh Hà, Lê Thị Liên 2009. Khảo cổ học hàng hải: Giới thiệu tổng quát và ứng dụng bước đầu ở Việt Nam, Khảo cổ học, Số 4-2009, tr. 79-97.
Kimura, J 2011 ‘Report: Archaeological surveying and excavation at Dong Ma Ngua site in 2010’, The INA Annual 2010 Projects and Research, pp.44-49.
Kimura, J 2012.‘Archaeological survey at the Bach Dang historical battlefield’, The INA Annual 2011 Projects and Research, pp.80-92.
Lê, T. L., Nguyễn, T.M.H, Pham, C., Staniforth, M., Delgado, J.P., Kimura, J and Sasaki. R. 2011 'Understanding the Bach Dang Battlefield from Recent Research Results'. In M. Staniforth et al. Proceedings on the Asia-Pacific Regional Conference on Underwater Cultural Heritage, Asian Academy for Heritage Management. Manila, pp. 77-90.
Previous Next