(Tàu Cô Khoái Châu photo by Le Thi Lien courtesy of the Institute of Archaeology).
Tàu Cô Khoái Châu
Đây là một con tàu bằng gỗ dài khoảng 30 m, rộng 5 m, bị gãy đôi, đã được anh Hà Đăng Chuôm phát hiện tháng 12 năm 2008 tại khu vực bờ sông Hồng thuộc địa phận xã Đại Tập, huyện Khoái Châu. Đến tháng 2 năm 2009 thì tiến hành trục vớt, kéo vào gần bờ. Sau khi nhận được tin báo của quần chúng, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã cử cán bộ phối hợp cùng Phòng VHTT huyện Khoái Châu, UBND xã Đại Tập tiến hành kiểm tra lập biên bản và tổ chức giám định sơ bộ.
Nhận thấy đây là một di sản có giá trị, ngày 13/3/2009 UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 526/QĐ-UBND, thu hồi con tàu cổ về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Theo sự chỉ đạo của Sở VHTT&DL, Bảo tàng tỉnh xây dựng phương án và tiến hành việc di chuyển con tàu về Bảo tàng. Do có kích thước lớn, trọng tải nặng, thân tầu đã bị mục nát, nên việc di chuyển phải tiến hành cả trên đường thuỷ và đường bộ. Từ ngày 25/4/2009 đến ngày 4/5/2009, toàn bộ xác tàu và các hiện vật kèm theo được vận chuyền về đến Bảo tàng.
Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy tầu thuộc loại chạy bằng động cơ hơi nước (dùng nguyên liệu than và củi), phần vỏ phía dưới thân tàu được bọc đồng lá, phần khung sử dụng các đinh sắt để gắn kết các thành phần trên khoang và các đinh gỗ để gắn kết các thanh vỏ tàu vào khung gỗ. Mũi tàu còn khá nguyên vẹn. Phần sàn tàu đã bị gãy nát. Nhiều phần gỗ vỏ tầu đã bị mục. Các bộ phận của động cơ bằng kim loại được tháo rời để trong sân bảo tàng. Trên khoang chở hàng phát hiện nhiều củ nâu (thường được dùng để nhuộm vải) và hộp gỗ đựng hàng ghi chữ Hán “Giang Nam”.
Ngoài ra đã phát hiện một số dụng cụ máy móc sử dụng trên tầu cũng như một số đồ dùng sinh hoạt của thuỷ thủ như bát đĩa chén, đặc biệt đã tìm thấy một số đồng tiền kim loại của Việt Nam thời Nguyễn: Gia Long thông bảo (1802-1819), Minh Mệnh thông bảo (1820-1840), Tự Đức thông bảo (1848-1883), tiền Đông Dương, tiền Trung Quốc ( Càn Long thông bảo: 1736-1795), 1 đồng tiền Anh (1875). Các lọai tiền chủ yếu có niên đại từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX.
Thông qua các hiện vật được thu thập, bước đầu xác định đây có thể là thuyền buôn của người nước ngoài (các nước phương Tây) bị chìm khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX. Tầu thuộc loại chạy bằng động cơ hơi nước (chạy bằng nguyên liệu than và củi). Nguyên nhân làm tầu bị đắm chưa được xác định. Trên khoang chở hàng chủ yếu là củ nâu (được dùng để nhuộm vải). Chủ nhân của tầu có thể là người Hoa (trên tầu có xuất lộ tượng Quan Âm kiểu Trung Hoa bằng sứ trắng; hòm đựng dụng cụ có ghi chữ Hán “Giang Nam”…).
Hiện nay vỏ tàu đang được bảo quản dưới một mái che tạm thời. Do khi hậu nhiệt đới nóng ẩm, các cấu kiện gỗ đang tiếp tục bị khô nứt. Việc đưa ra phương án bảo tồn bảo quản lâu dài cho con tàu này đang là vấn đề nan giải. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Bài và ảnh của Nguyễn Đăng Quy và Lê Thị Liên
Previous Next